Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch Covid-19 là thời điểm để các doanh nghiệp đón bắt cơ hội và xu hướng công nghệ, chuyển đổi số để trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp xoay chuyển mô hình kinh doanh, thích nghi với bối cảnh phát triển mới.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng
Theo ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động theo phương thức truyền thống đã gặp khó khăn. Trước bối cảnh đó, yêu cầu về việc ứng dụng công nghệ trong tìm kiếm khách hàng và xuất khẩu hàng hóa trực tuyến là hướng đi tất yếu. Ứng dụng công nghệ để xúc tiến thương mại trực tuyến, đưa công nghệ nhiều hơn vào vận hành bộ máy quản trị, kinh doanh sẽ giúp DN kết nối với nhau tốt hơn, có điều kiện phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường.
Trước đây, VINASME thường chủ trì các chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia với việc tổ chức các đoàn DN Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế. Nhưng hiện nay, để thích ứng với tình hình mới, VINASME đã nhanh chóng điều chỉnh hỗ trợ xúc tiến thương mại sang trực tuyến cho DN.
Là đơn vị hỗ trợ chuyển đổi số cho DN, bà Đinh Thị Thúy – Tổng giám đốc Công ty CP Misa cho hay, chính trong bối cảnh khó khăn dịch bệnh, đây là cơ hội thúc đẩy các DN gia tăng chuyển đổi số trong DN mình. Trong thời gian qua, đã có không ít DN phải giải thể, phá sản. Tuy nhiên, với những DN còn tồn tại và có cơ hội phát triển vẫn có những nhu cầu, quan tâm các giải pháp công nghệ mới.
Công ty CP Misa hiện đang cung cấp một nền tảng quản trị DN hợp nhất Misa Amis, làm việc hoàn toàn trên môi trường online, tích hợp toàn bộ các nghiệp vụ quản trị trong DN từ kế toán, bán hàng, nhân sự… phù hợp với nhu cầu của mọi loại hình DN. Trong đó, có khoảng 20.000 DN đang ứng dụng giải pháp công nghệ nền tảng quản trị DN và khoảng 150.000 khách hàng đang sử dụng các phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử…
Còn theo ông Hoàng Văn Thuấn – Chủ tịch HĐQT Tổng Giám đốc EFY Việt Nam, để vượt bão Covid-19 và đón đầu sự phát triển trong những năm tới, DN cần chuyển đổi số phải tính toán, nghiên cứu và tìm ra điểm nghẽn trong hoạt động của đơn vị; từ đó đầu tư giải pháp số phù hợp với năng lực công ty và phải đảm bảo có đủ nguồn lực để triển khai lâu dài.
EFY Việt Nam là DN công nghệ thông tin cung cấp 4 dịch vụ chính gồm: Dịch vụ nền tảng chuyển đổi số cho Chính phủ và DN; dịch vụ bảo hiểm xã hội điện tử; dịch vụ hóa đơn điện tử; dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Sản phẩm và dịch vụ của đơn vị đã tiếp cận tới hơn 140.000 khách hàng là tổ chức cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện và DN.
“Hiện EFY Việt Nam đã xây dựng bộ giải pháp “Chuyển dịch số thần tốc”, hỗ trợ các DN chuyển đổi số nhanh chóng và tiết kiệm trong các hoạt động quản trị và điều hành kinh doanh, gia tăng doanh số bán hàng” – ông Thuấn cho biết.
Hướng tới giải pháp quản trị tổng thể
Để chuyển đổi số DN đạt hiệu quả, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch cùng những diễn biến dịch Covid-19 đang đòi hỏi các DN phải không ngừng đổi mới, hiện đại hóa về công nghệ và tái cấu trúc chiến lược phát triển để thay đổi mới mô hình hoạt động, trong đó phải chú trọng chuyển đổi số, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.
Các doanh nghiệp dù ở quy mô nào, dù lớn hay nhỏ đều phải hướng tới những chuẩn mực quốc tế về đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. Trong xu thế hội nhập, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào và với chi phí thấp sẽ không còn là những lợi thế cạnh tranh trong những thập kỷ tới. Vì vậy, đổi mới, sáng tạo là xu thế tất yếu. Đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ DN, trong đó số hóa trong quản trị hoạt động DN là điều cần sự quan tâm thích đáng.
Thực tế nếu trước đây, việc quản trị DN được hỗ trợ bởi một số phần mềm đơn lẻ như kế toán, bán lẻ, quản lý kho… thì hiện nay, các DN đang hướng tới giải pháp quản trị tổng thể và đồng nhất mọi hoạt động của DN. Giải pháp này sẽ đem lại sự linh hoạt và đáp ứng được những thay đổi liên tục về quy mô cũng như cơ cấu hoạt động của DN.
Còn theo nhận định của ông Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, DN Việt Nam đứng trước những xu thế và tư tưởng phát triển mới. Ngay trong đại dịch Covid-19, có cả cơ hội và sự sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. Đó là việc chuyển đổi sản phẩm sao cho phù hợp với những đòi hỏi mới của thị trường. Cách tiếp thị, gắn kết giữa các đối tác và với thị trường cũng đang có sự chuyển dịch đáng kể. Đặc biệt, DN đang tích cực trong chuyển đổi số để hòa cùng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
72% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tìm cách chuyển đổi số
Nghiên cứu về mức độ sẵn sàng số hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2020 của Cisco cho biết, có đến 72% SME tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số, tăng đáng kể so với mức 32% năm 2019.
Còn theo khảo sát HSBC Navigator công bố đầu tháng 12/2020, 68% doanh nghiệp (DN) Việt Nam cho biết, đã thực hiện các thay đổi nhằm đối phó với dịch bệnh. Các DN nói rằng sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ để cải thiện tốc độ tiếp cận thị trường, tiếp cận khách hàng mới và tăng cường tự động hóa, hiệu quả hoạt động.
Đức Việt – TBTCVN
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN
Xem bình luận