Những sản phẩm công nghệ “Make in Viet Nam” xuất sắc năm 2020 trải trên nhiều lĩnh vực, từ AI, chuyển đổi số đến giáo dục, y tế.
Ngày 23/12, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố và trao giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020. Sau bốn tháng phát động, giải thưởng đã thu hút 239 đơn đăng ký tham dự. Sau khi chọn ra top 50 sản phẩm hàng đầu, hội đồng chấm giải đã chọn ra 5 đại diện xuất sắc ở từng hạng mục.
#1 Sản phẩm số xuất sắc: akaBot
Nền tảng tự chuyển đổi số akaBot của FPT Software đã vượt qua các đối thủ đến từ Viettel, VNPT để giành vị trí thứ nhất. akaBot được phát triển từ năm 2018, dùng robot mô phỏng các thao tác lặp đi lặp lại hàng ngày của con người trên máy tính, như gõ phím, click chuột, kết hợp các công nghệ OCR (nhận dạng ký tự quang học), Chatbot, Giọng nói và AI.
Trong đại dịch Covid-19, akaBot đã giúp khách hàng trong và ngoài nước tiết kiệm nhân sự, đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh, chuẩn bị bước đà cho sự phục hồi khi dịch bệnh qua đi. Tháng 12/2020, akaBot được Gartner (Tổ chức uy tín toàn cầu về việc giới thiệu các sản phẩm chất lượng dựa trên đánh giá của doanh nghiệp, người dùng), đưa vào danh sách “Peer Insights”, cùng 20 hãng hàng đầu thế giới, như UIPath, Automation Anywhere, Blue Prism.
#2 Giải pháp số xuất sắc: OneATS
Phần mềm OneATS của công ty Cổ phần Hệ thống Ứng dụng Kỹ thuật (ATS JSC) nhận giải thưởng “Giải pháp số xuất sắc” năm 2020. Đây là sản phẩm hiếm hoi của Việt Nam được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành công trong lĩnh vực điều khiển, tự động hóa và phân tích dữ liệu công nghiệp, đặc biệt các ngành năng lượng, sản xuất, hoá chất, xử lý nước, mỏ… Nền tảng này đã có hơn 20 năm phục vụ cho ngành điện Việt Nam.
OneATS có tính linh hoạt cao, phù hợp với nhiều quy mô doanh nghiệp khác nhau, hoạt động trên đa nền tảng, dễ dàng trích xuất dữ liệu (API) để tích hợp với các hệ thống khác. Nền tảng này có thể giúp các công ty trong nước giảm chi phí vận hành, tăng cường bảo mật, tự chủ về công nghệ điều khiển, hạn chế phụ thuộc vào công nghệ giám sát, điều khiển hệ thống điện vào các công ty đa quốc gia. Mục tiêu của OneATS trong tương lai là ứng dụng AI, BigData để trở thành đơn vị tiên phong, thúc đẩy mạng lưới điện thông minh ở Việt Nam và tiến ra thị trường quốc tế.
#3 Nền tảng số xuất sắc: Base.vn
Base.vn đã vượt qua ứng dụng Be và FPT.AI để trở thành nền tảng số xuất sắc nhất. Thành lập từ năm 2016, Base.vn là một trong những đơn vị tiên phong trong việc xây dựng nền tảng quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam. Nền tảng có hơn 50 ứng dụng, tập trung vào các giải pháp chuyên sâu dưới dạng Microservice giúp doanh nghiệp giải quyết nhiều bài toán trong quá trình quản trị và vận hành.
Các ứng dụng trên nền tảng đều có thể kết nối và trao đổi dữ liệu với nhau thông qua Webhook và API. Điều này tạo ra trải nghiệm liền mạch và đảm bảo tính tập trung của dữ liệu. Khách hàng của Base.vn trải dài trên nhiều lĩnh vực từ Tài chính – Ngân hàng, Thương mại điện tử – Logistic, F&B, Giáo dục cho đến Bất động sản,…
#4 Thu hẹp khoảng cách số: vnEdu 4.0
Giải thưởng thu hẹp khoảng cách số thuộc về hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu 4.0, nền tảng Hocmai.vn và Vỏ sò lần lượt giữ vị trí thứ hai và thứ ba. Mạng giáo dục Việt Nam vnEdu 4.0 được xây dựng trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây, cho phép số hoá toàn diện công tác quản lý, điều hành trong giáo dục, kết nối gia đình, nhà trường và xã hội. Hệ sinh thái này hiện được sử dụng trong hơn 30.000 trường học với khoảng 8 triệu học sinh tham gia.
Ngoài ra, vnEdu 4.0 cũng ứng dụng AI để nhận diện học sinh trong việc điểm danh, phát hiện các hành vi xấu, bạo lực học đường. Công nghệ blockchain giúp xác thực, bảo mật văn bằng, chứng chỉ. Công nghệ nhận diện giọng nói cho phép giáo viên nhập điểm lên hệ thống mà không cần phải thao tác bằng tay như truyền thống. Nền tảng giáo dục này cũng sử dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường trong các phòng thí nghiệm, giúp học sinh tương tác tốt hơn trong các giờ thực hành.
#5 Sản phẩm số tiềm năng: AI Smart Warning
Sản phẩm AI Smart Warning của công ty cổ phần Công nghệ số HMD Việt Nam và công ty TNHH Công nghệ ASILLA thắng giải nhất hạng mục Sản phẩm số tiềm năng. Ứng dụng giúp tăng cường giám sát an ninh trong trường học, công ty, khuôn viên công cộng và trong cả gia đình.
AI Smart Warning được xây dựng trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, cho phép tự động nhận diện những hành động của con người thông qua camera, như đánh nhau, say xỉn, ngã (đột quỵ), cầm vật nguy hiểm (dao, súng, búa, gậy), đột nhập vào khu vực cấm, trốn khỏi khu vực giam giữ/khu trại giam/khu cách ly (leo trèo tường). Những hình ảnh thu được lập tức kích hoạt hệ thống chuông báo động, đèn, còi hoặc gửi hình ảnh cho người quản lý, cơ quan chức năng bằng tin nhắn văn bản kèm hình ảnh ngay tại thời điểm xảy ra thông qua smartphone. AI Smart Warning đang được một số công ty ở Việt Nam, Nhật Bản sử dụng, định hướng mở rộng thị trường sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Theo Tiến sĩ Mai Liêm Trực – Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giải thưởng, các sản phẩm Việt có khả năng giải quyết bài toán của người Việt thì hoàn toàn có khả năng cung cấp cho thị trường quốc tế. “Ra nước ngoài lúc này, các doanh nghiệp Việt sẽ cùng nhịp bước với nước ngoài. Việc này cũng thể hiện sự dấn thân, khát vọng và sự tự tin của các doanh nghiệp đó”, ông Trực nói.
Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT, cho rằng các doanh nghiệp Việt nên coi thị trường trong nước là cái nôi, nơi mình sinh ra và trưởng thành. “Việc cung cấp các nền tảng xuyên biên giới nay đã thuận lợi hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp nên đặt mục tiêu toàn cầu ngay từ đầu”, ông Tâm chia sẻ.
Tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp:
Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Chính phủ Việt nam cũng đặc biệt quan tâm đến vấn để chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giao cho Bộ Thông tin &Truyền thông xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia và trình Đề án cho Thủ tướng ngay trong năm 2019.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN
Xem bình luận